(Dân trí) - Hành trình NetZero - giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 đã khởi động bằng nhiều hành động thiết thực, trong đó có chương trình "Năng lượng sạch - Trái đất xanh".
Những bước đầu tiên trên hành trình Net Zero
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của biến đổi khí hậu - hệ quả của việc gia tăng CO2 trong không khí. Tại Hội nghị COP26 (Scotland - Vương quốc Anh), Việt Nam đã cam kết ứng phó với khủng hoảng môi trường, đặt mục tiêu giảm 30% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính metan vào năm 2030, giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Theo đó, hành trình Net Zero muốn đi tới đích phải dựa trên nền tảng cắt giảm CO2 bền vững từ những doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng trong lĩnh vực giao thông, công nghiệp và sản xuất điện. Chính phủ Việt Nam cũng đã xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp dịch chuyển từ năng lượng hóa thạch sang sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh,…
Người dân quan tâm tới năng lượng xanh sẽ là động lực giúp chuyển dịch năng lượng thành công (Ảnh: GIZ).
Các hoạt động truyền thông về năng lượng sạch cũng được đẩy mạnh không chỉ doanh nghiệp mà còn rộng rãi trong cộng đồng. Là tổ chức đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình Net Zero, Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP) đã hỗ trợ truyền thông về năng lượng sạch thông qua dự án "Năng lượng sạch, chi phí hợp lý và an ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á" (CASE).
Sự kiện "Năng lượng sạch - Trái đất xanh" thu hút nhiều người tham gia (Ảnh: GIZ).
Nâng cao nhận thức về năng lượng sạch
Sự kiện "Năng lượng sạch - Trái đất xanh" do dự án CASE phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức tại phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội vào ngày 25/3, thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Bên cạnh khu trưng bày mô hình trực quan giải thích về cơ chế hoạt động của các loại năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…), khu lắp ráp mô hình có gắn tấm quang điện, khu trồng cây…, sự kiện còn có hoạt động tương tác tìm hiểu kiến thức về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thông qua trò chơi, hỏi đáp với chuyên gia… thu hút nhiều người tham gia.
Nhật Minh (Hà Nội) cho biết: "Ở trong trường học, chúng em cũng được tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, khi đến đây, em hiểu rõ hơn về những hành động mình có thể làm mỗi ngày để góp phần vào hành trình Net Zero Việt Nam".
Ban tổ chức trao thưởng cho người chơi tìm hiểu về "Năng lượng sạch - Trái đất xanh" (Ảnh: GIZ).
Phát biểu tại chương trình, bà Vũ Chi Mai - Giám đốc dự án CASE nhấn mạnh: "Phát thải CO2 từ ngành năng lượng chiếm khoảng 2/3 tổng phát thải của Việt Nam hiện nay, tỷ lệ này không khác nhiều so với mặt bằng chung trên thế giới. Do vậy, giảm phát thải trong ngành năng lượng đóng vai trò chính để đạt mục tiêu bảo vệ khí hậu trên thế giới và Việt Nam. Trong 10 năm qua, Chương trình Hỗ trợ Năng lượng của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ (ESP) đã nỗ lực hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng của Việt Nam thông qua các hoạt động hỗ trợ cải thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực, tạo tiền đề cho sự phát triển của năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng công bằng tại Việt Nam".
Hành động từ hôm nay
Trái đất nóng lên đã gây nhiều thiệt hại cho con người như lũ ống, lũ quét, bão lụt, hạn hán… Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm chia sẻ: "2023 dự báo là năm có nền nhiệt cao. Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu làm cho giá năng lượng tăng, đặt ra sự cấp thiết chuyển dịch các nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo sạch, chi phí hợp lý và an toàn hơn; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn năng lượng hiện có".
Kiến tạo một trái đất xanh bằng năng lượng sạch cần sự chung tay của cộng đồng. Bởi vì, rất nhiều hành động nhỏ sẽ tạo ra thay đổi lớn. Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, sản lượng điện tiết kiệm được trong một giờ hưởng ứng Giờ trái đất vào khoảng 400.000 kWh nhưng ý nghĩa của sự kiện này không dừng lại ở con số, mà ở sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của cộng đồng trong tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Ông Philipp Munzinger - Giám đốc GIZ cũng cho rằng: "Sự kiện Giờ trái đất nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai. Mọi người hãy đưa ra những lựa chọn bền vững không chỉ trong sự kiện này hay trong vòng 60 phút của Giờ trái đất mà còn trong cuộc sống hàng ngày".
Các em nhỏ, thế hệ tương lai trong hành trình NetZero, tham gia vào hoạt động tương tác để khám phá ý nghĩa của "Năng lượng sạch - Trái đất xanh" (Ảnh: GIZ).
Đưa chủ đề năng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào sự kiện "Năng lượng sạch - Trái đất xanh", GIZ và CASE hy vọng hành trình Net Zero tiếp cận nhiều người hơn, để mỗi cá nhân ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong công cuộc thực hiện mục tiêu quốc gia cũng như giảm thiểu biến đổi khí hậu.
"Theo Dân trí"